Click ủng hộ Blog

Header Ads

Ăn đu đủ khi mang thai và những lưu ý cần thiết

Đu đủ là một loại trái cây ngon, bổ, rẻ rất được các chị em phụ nữ yêu thích. Tuy nhiên, có lẽ nhiều người không thực sự biết rõ được tác hại của loại quả này đối với các chị em phụ nữ có thai. Thực tế, một số nhà nghiên cứu cho rằng, chất nhựa mủ trong đu đủ xanh hoặc ương có thể là nguyên nhân dẫn đến sẩy thai ở bà bầu. Hãy cùng tìm hiểu về công dụng và tác hại của loại quả này đối với bà bầu cùng những lưu ý cần thiết khi lựa chọn ăn loại quả này nhé.
Ăn đu đủ khi mang thai và những lưu ý cần thiết
Để an toàn cho một thai kỳ khỏe mạnh mẹ bầu không nên ăn đu đủ xanh hoặc ương.

1. Thành phần dinh dưỡng của đu đủ chín

Đu đủ chín chứa khoảng 70% nước, 13% đường, không có tinh bột, có nhiều carôten, axít hữu cơ, vitamin A, C, prôtít, 0,9% chất béo, khoảng 0,5% xenlulôzơ, canxi, phốt pho, ma giê, sắt,… Ngoài ra, đu đủ chín còn là nguồn cung cấp vitamin B, kali và chất xơ dồi dào.

2. Tác dụng của đu đủ chín với mẹ bầu

Đu đủ chín tuy dồi dào chất dinh dưỡng có lợi, tốt cho sức khỏe của mẹ bầu nhưng lại là một loại thực phẩm chứa rất ít hàm lượng calo nên khi mẹ bầu ăn vào vẫn bổ sung được các vitamin và khoáng chất cần thiết nhưng lại không gây tăng cân nhanh, béo phì. Trong 100g đu đủ chín chỉ chứa khoảng 32 kcal, do đó đu đủ là một lựa chọn hoàn hảo cho các mẹ bầu muốn kiểm soát trọng lượng cơ thể trong thời gian bầu bí.
Giúp hạ huyết áp
Khi mang thai, các hoocmôn trong cơ thể mẹ bầu thường thay đổi, mẹ bầu trở nên nhạy cảm hơn so với bình thường rất nhiều. Ngoài ra, với cơ thể ngày càng nặng nề và mệt mỏi do những triệu chứng khi mang thai thường gặp như buồn nôn, táo bón, đau lưng, tê chân, phù nề,…càng làm cho mẹ bầu dễ bị căng thẳng.
Ăn đu đủ chín sẽ giúp mẹ bầu cải thiện được tình hình này đáng kể. Trong trái đu đủ có chứa một lượng lớn kali giúp cho tinh thần mẹ bầu luôn thăng bằng, thoái mái. Ngoài ra, kali có trong đu đủ còn có tác dụng cực kỳ hữu ích đối với mẹ nào bị bệnh cao huyết áp đấy.
Sáng mắt
Đu đủ chứa nhiều beta-carotene. Khi vào cơ thế, nó chuyển hóa thành vitamin A, giúp mẹ bầu có đôi mắt sáng và khỏe mạnh. Ngoài ra, trong quả đu đủ chín có chứa cực nhiều vitamin C. Lượng vitamin C trong đu đủ cao gấp 13 lần lượng vitamin C có trong món táo thơm ngon. Vitamin C dồi dào giúp mẹ bầu tránh được nhiều bệnh tật, giảm nguy cơ mắc các bệnh nguy hiểm như đục thủy tinh thể, tim mạch.
Chống viêm, đau khớp
Như đã nói ở trên, đu đủ chín có chứa rất nhiều vitamin C, không chỉ giúp mẹ bầu có đôi mắt khỏe mạnh, thúc đẩy hệ miễn dịch tốt mà còn giúp chống lại tình trạng viêm và đau khớp rất khó chịu hay xảy ra ở bà bầu.
Ngừa sâu răng, viêm lợi
Lại một lần nữa vitamin C có trong đu đủ chín phát huy tác dụng của mình. Vitamin C không chỉ giúp các tế bào chắc chắn, khỏe mạnh, mà còn vừa tốt cho da, lại vừa tốt cho nướu. Nghiên cứu cho thấy, nếu không có đủ lượng vitamin C cần thiết, mạng lưới collagen trong nướu răng có thể bị phá vỡ, làm cho nướu nhạy cảm hơn với các vi khuẩn gây bệnh nha chu (một loại bệnh răng miệng nguy hiểm). Chính vì vậy, mẹ bầu cần cung cấp đủ lượng vitamin C là rất cần thiết cho cơ thể. Ngoài ra, trong đu đủ chín còn chứa chất chống sâu răng, viêm lợi trong giai đoạn thai kỳ.
Chống táo bón
Đu đủ chín từ lâu được biết đến như một vị thuốc chữa táo bón hết sức hiệu nghiệm. Protease trong đu đủ giúp phân giải protien thành acid amin, đồng thời phân giải protein khó tiêu hoá trong đường ruột. Ngoài ra, phần thịt của đu đủ chín còn là nguồn cung cấp chất xơ dồi dào, giúp phòng tránh và giảm táo bón trong suốt thai kỳ. Bởi vậy mẹ bầu có thể ăn đu đủ chín 2 – 3 bữa mỗi tuần để tránh bị táo bón nhé.
Giữ ổn định nhịp tim và huyết áp
Đu đủ còn là nguồn giàu vitamin B phức tạp, cần cho sự chuyển hóa các chất của cơ thể người mẹ. Kali có trong đu đủ giữ ổn định nhịp tim và huyết áp trong thời kỳ mang thai.

3. Ăn đu đủ xanh hoặc ương có thể dẫn đến xảy thai ?

Phụ nữ ở Ấn Độ, Pakistan, Sri Lanka đã dùng đu đủ như là một phương cách tránh thai truyền thống. Những nghiên cứu ở thú vật cho thấy đu đủ có khả năng tránh thai và phá thai. Có nhiều khuyến cáo rằng nếu đang có thai hoặc đang chuẩn bị để có thai, tốt nhất không nên ăn đu đủ, nhất là đu đủ xanh.
Các nhà nghiên cứu đã từng tiến hành thử nghiệm trên chuột ở Ấn Độ, cho chuột đang mang thai ăn nhiều loại hoa quả khác nhau thì kết quả cho thấy đu đủ xanh có gây sẩy thai.
Và khi thử nghiệm chất chiết xuất từ nhựa đu đủ (papain, PLE) trên tử cung chuột ở các chu kỳ động dục và thai nghén khác nhau, kết quả cho thấy tác động của PLE gây co thắt tử cung xảy ra mạnh nhất là ở các giai đoạn sau của thai kỳ.
Đu đủ xanh (hoặc còn ương) thì sẽ có chất nhựa (mủ) không tốt cho phụ nữ mang thai. Ngoài ra, chất papain còn hoạt động giống như hormone prostaglandin và oxytocin gây ra co thắt tử cung. Nó cũng có thể gây ra phù và xuất huyết nhau thai – những biến chứng nguy hiểm trong thai kỳ, có thể dẫn tới sinh non.
Đó là những kết quả có được khi thử nghiệm trên chuột. Còn trên người chưa có bằng chứng về nguy cơ sẩy thai do ăn đu đủ xanh. Vì lý do y đức nên không thể thử nghiệm tương tự như trên chuột. Nhưng “có kiêng có lành”, các mẹ bầu được chuẩn đoán dễ sẩy thai (hoặc đang ở giai đoạn cuối của thai kỳ) không nên ăn thường xuyên đu đủ xanh hay các món nộm (gỏi) có nguyên liệu là đu đủ xanh.

4. Lưu ý khi ăn đu đủ

- Các mẹ chú ý không nên ăn hạt đu đủ bởi trong hạt có chứa chất độc carpine. Với một số lượng lớn carpine sẽ làm rối loạn mạch đập, làm suy nhược hệ thống thần kinh.
- Trong đu đủ giàu lượng đường nên những người đường huyết cao không nên dùng nhiều.
- Đu đủ chín có tính nhuận tràng nên kiêng với những trường hợp đang bị đi ngoài hoặc đang uống các thuốc nhuận tẩy.
- Vì bản thân đu đủ có tính hàn nên mẹ bầu không nên ăn đu đủ lạnh.
- Phụ nữ mang thai không nên ăn đu đủ xanh hoặc còn ương vì trong chúng có chứa chất nhựa (mủ) không tốt cho phụ nữ mang thai. Papain và chymopapain là chất có trong mủ đu đủ xanh có thể gây quái thai hoặc sẩy thai.

Đăng nhận xét

0 Nhận xét